Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017: Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp
Sáng ngày 22/3/2018, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế trung ương và Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia Kinh tế Việt Nam năm 2017 và Triển vọng năm 2018; đồng thời công bố ấn phẩm “Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017” với chủ đề: “Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp”.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS. TS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, kinh tế Việt Nam năm 2017 đã đạt được những kết quả khả quan. Tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, cao hơn kế hoạch 6,7%, và là mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây với sự đóng góp lớn từ khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); khu vực kinh tế đối ngoại đạt được những con số ấn tượng với mức thặng dư cán cân thương mại là 2,7 tỷ USD; lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng CPI được kiểm soát ở mức thấp và ổn định. Môi trường kinh doanh được cải thiện đã tạo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên khu vực kinh tế tư nhân còn phải đối diện với nhiều rào cản khiến cho tỷ lệ doanh nghiệp thua lỗ năm 2017 lên đến 48%.
Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo
Theo đó, PGS. TS Tô Trung Thành - đồng chủ biên ấn phẩm Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017: Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp đã đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2017 trên năm khu vực vĩ mô chính của nền kinh tế: khu vực kinh tế thực, khu vực kinh tế đối ngoại, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực tài chính ngân sách, khu vực doanh nghiệp; đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018, từ đó khuyến nghị chính sách cho năm 2018 và các năm tiếp theo.
Trong đó, trọng tâm của báo cáo đưa ra nhận định về các rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp: rào cản hạn chế khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các doanh nghiệp, rào cản gia tăng chi phí lao động của các doanh nghiệp, rào cản gia tăng chi phí cơ sở hạ tầng logistics của các doanh nghiệp, rào cản gia tăng chi phí thực hiện nghĩa vụ Nhà nước của các doanh nghiệp.
Nhóm tác giả đã phân tích thực trạng đặc điểm phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam, tổ chức điều tra và xây dựng các mô hình kinh tế lượng nhằm đưa ra những kết quả mang tính khách quan và khoa học hơn, kiểm định các nhận định lý thuyết trước đó.
Cũng theo báo cáo, với những đông lực tăng trưởng từ khu vực FDI và sự tăng cường từ khu vực kinh tế tư nhân; từ khu vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo; từ nhu cầu nội địa với mức tăng trưởng mạnh của chi tiêu tiêu dùng; kinh tế Việt Nam năm 2018 có thể tăng trưởng ở mức 6,6-6,8% (phụ thuộc vào việc các điều kiện kinh tế thuận lợi hay không?) với mức lạm phát dưới 4%. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đang phải đối mặt với nhiểu thách thức khi thể chế kinh tế và mô hình tăng trưởng chưa có nhiều cải thiện, chất lượng tăng trưởng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng bền vững. Cách thức tăng trưởng hiện nay khiến dư địa tác động chính sách dần bị thu hẹp, vai trò động lực tăng trưởng của các thành phần kinh tế bị đảo lộn.
Từ đó, các tác giả đã đề xuất các kiến nghị chính sách nhằm tháo gỡ các rào cản trên thị trường yếu tố (vốn, lao động, cơ sở hạ tầng logistics) và chính sách thuế, hải quan; với mục tiêu tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Tham luận tại Hội thảo, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam - Ông Phạm Minh Đức đã trình bày tác động của CPTPP đối với Việt Nam. Theo ông, khi CPTPP có hiệu lực sẽ tác động đến Việt Nam về mặt kinh tế, phân bổ thu nhập và cải cách trong nước. CPTPP sẽ giúp GDP của Việt Nam vào năm 2030 tăng thêm 1,1%; xuất khẩu dự báo sẽ tăng 4,2% và nhập khẩu tăng 5,3%. CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm nghèo thêm 0,6 triệu người ở mức chuẩn nghèo vào năm 2030 và có thể tạo ra những việc làm nhờ tăng FDI. CPTPP dự kiến sẽ kích thích các cải cách trong nước để thực hiện nhiều lĩnh vực cam kết như cạnh tranh, dịch vụ, hải quan, thương mại điện tử, môi trường… CPTPP dự kiến sẽ thúc đẩy tính minh bạch và hỗ trợ tạo ra những thể chế hiện đại ở Việt Nam.
ThS. Phan Đức Hiếu - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương trình bày “Thách thức xóa bỏ rào cản phát triển kinh tế tư nhân”. Theo ông, có 3 thách thức lớn đối với phát triển kinh tế tư nhân: (1) về tổ chức thực hiện làm rút ngắn khoảng cách kết quả và mục tiêu đã đặt ra; (2) phạm vi cải cách còn hẹp, cần chú trọng hơn việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp; (3) Làm thế nào để cải cách mạnh mẽ hơn và duy trì động lực cải cách./.