Đề xuất một số giải pháp phát triển cụm công nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh

28/11/2019 08:33 Số lượt xem: 96

Phát triển bền vững là một trong những mục tiêu dài hạn mà Chính phủ Việt Nam hướng tới. Mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là tăng trưởng kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ tài nguyên và môi trường. Công nghiệp là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, phát triển công nghiệp bền vững nói riêng không thể tách rời phát triển bền vững kinh tế trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

Tại Hội nghị Copenhagen (Đan Mạch) tháng 10/1991, những tiêu chí cụ thể của quá trình phát triển công nghiệp bền vững được đưa ra gồm: Bảo vệ năng lực sinh thái; Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực con người, nguyên vật liệu và năng lượng; Công bằng trong chia sẻ gánh nặng về môi trường, xã hội và các thành quả công nghiệp hoá. Quan điểm này gợi mở hướng tiếp cận thông qua những mô hình công nghiệp hoá có cân nhắc. Đó là các mô hình hướng vào các lợi ích kinh tế và xã hội của thế hệ hiện tại và các thế hệ sau mà không để lại những hậu quả về môi trường sinh thái. Ở đây, những lợi ích tương lai được nhấn mạnh song song với lợi ích trước mắt, một sự phát triển trong tổng hoà các lợi ích và tư duy cân bằng hơn.

Theo quan điểm của các chuyên gia Việt Nam, phát triển bền vững công nghiệp là phát triển công nghiệp một cách ổn định, lâu dài trên cơ sở đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn hiện nay, phát triền bền vững công nghiệp ở Việt Nam tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên chính sau: Duy trì tăng trưởng công nghiệp nhanh và ổn định trong dài hạn; Thực hiện quá trình công nghiệp hóa sạch; Tổ chức không gian lãnh thổ và phân bố công nghiệp hợp lý; Đảm bảo và nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Đối với tỉnh Bắc Ninh, trong những năm gần đây, ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu GRDP, giữ vai trò chủ đạo và thúc đẩy các ngành khác phát triển. Năm 2018, Bắc Ninh tiếp tục khẳng định vững chắc là cực tăng trưởng của vùng Bắc bộ và cả nước, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) tiếp tục tăng khá hai con số theo hướng bền vững, tăng 10,6% so với năm 2017 tạo động lực quan trọng xây dựng tỉnh Bắc Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong đó sản xuất công nghiệp khẳng định vững chắc là động lực tăng trưởng của tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 1.136.000 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Trong các thành tựu phát triển công nghiệp có đóng góp không nhỏ cả về giá trị sản xuất công nghiệp, hiệu quả sản xuất công nghiệp và lực lượng lao động của các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời các cụm công nghiệp đã tạo mặt bằng cho doanh nghiệp, hộ cá thể mở rộng, phát triển sản xuất, có điều kiện đầu tư công nghệ mới xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động ở khu vực nông thôn.

Theo Quyết định số 396/QĐ-UBND ngày 31/10/2013 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch các Cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 xác định lựa chọn phát triển các ngành công nghiệp, các sản phẩm công nghiệp sử dụng công nghệ sản xuất cao, thân thiện môi trường, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, có khả năng tạo ra giá trị kinh tế cao, đóng góp lớn vào tổng giá trị GDP và ngân sách nhà nước; Coi trọng chất lượng tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu nội ngành, tăng giá trị gia tăng của sản xuất công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình hoạt động và phát triển các cụm công nghiệp bộc lộ nhiều hạn chế: Môi trường trong một số cụm công nghiệp ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là các cụm công nghiệp làng nghề (giấy Phong Khê, tái chế nhôm Mẫn Xá, đúc đồng Quảng Bố,…) với đặc thù công nghệ sản xuất ở các làng nghề trên địa bàn tỉnh còn lạc hậu, quy mô hộ cá thể, mặt bằng chật hẹp xen kẽ với khu dân cư, thiếu quy hoạch và thiếu vốn cho đầu tư công nghệ, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân làng nghề và khu vực xung quanh; Cơ sở hạ tầng (đường giao thông nội bộ, cây xanh, các công trình xử lý rác thải, nước thải... ) hầu hết đều chưa được đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh; Công tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng còn nhiều bất cập, chưa hợp lý; Tồn tại nhiều mô hình chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của cụm công nghiệp;… Như vậy, hoạt động của các cụm công nghiệp gần như chưa đảm bảo những lĩnh vực ưu tiên trong phát triền bền vững công nghiệp ở Việt Nam và định hướng phát triển bền vững cụm công nghiệp theo Quyết định số 396/QĐ-UBND của tỉnh Bắc Ninh.

Phát triển các cụm công nghiệp bền vững góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu chung của Bắc Ninh trong phát triển bền vững, hướng tới xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương và xây dựng thành phố thông minh, sinh thái. Trong khuôn khổ bài viết, chúng tôi đề xuất một số giải pháp xây dựng và phát triển cụm công nghiệp bền vững:

Thứ nhất, Tổ chức không gian lãnh thổ và phân bố công nghiệp hợp lý

Rà soát, thực hiện quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp phù hợp với Quyết định 460/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Đưa ra khỏi quy hoạch, dần thực hiện lộ trình chuyển đổi các cụm công nghiệp không còn phù hợp, gây ô nhiễm môi trường.

Thứ hai, Tổ chức quản lý chuyên nghiệp

Thống nhất một mô hình quản lý cụm công nghiệp theo mô hình chủ đầu tư hạ tầng để khắc phục những yếu điểm trong công tác quản lý đã được nêu ra tại Đề án tăng cường công tác quản lý các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đồng thời tăng cường vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ công cộng, phục vụ cho phát triển các cụm công nghiệp.

Thứ ba, Thực hiện quá trình công nghiệp hóa sạch

Tổ chức xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án thân thiện với môi trường, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tạo ra các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm trong lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ của tỉnh để tăng cường khả năng kết nối, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; thu hút các doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng ít đất, ít lao động,… theo tinh thần của tỉnh là không đánh đổi tăng trưởng kinh tế lấy ô nhiễm môi trường.

Thứ tư, Khắc phục các vấn đề về môi trường

Đối với các cụm công nghiệp hiện gây ô nhiễm nghiêm trọng (nước thải, khí thải, tiếng ồn, độ bụi) cần có giải pháp khắc phục triệt để: Ngừng cung cấp điện, nước, cưỡng chế ngừng sản xuất đối với các trường hợp cố tình tái phạm; đồng thời xử phạt, kỷ luật đối với cán bộ cố ý làm sai các thủ tục kiểm tra, thủ tục hành chính đối với các tổ chức, cơ sở sản xuất; Đầu tư xây dựng và vận hành hệ thống công nghệ xử lý ô nhiễm theo công nghệ tiên tiến và phù hợp với các nhóm lĩnh vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đồng thời có cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức để tiến hành phân loại, tái chế chất thải; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải.

Thứ năm, Nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Theo Hội đồng Kinh doanh thế giới vì Sự phát triển bền vững, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là cam kết của doanh nghiệp đóng góp cho việc phát triển kinh tế bền vững, thông qua việc tuân thủ chuẩn mực về bảo vệ môi trường, bình đẳng giới, an toàn lao động, quyền lợi lao động, trả lương công bằng, đào tạo và phát triển nhân viên, phát triển cộng đồng, đảm bảo chất lượng sản phẩm theo cách có lợi cho cả doanh nghiệp cũng như sự phát triển chung của xã hội.

Hiểu một cách đơn giản, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thực chất là việc doanh nghiệp cân bằng được kinh tế, môi trường và các vấn đề xã hội. Thực hiện trách nhiệm xã hội đem lại nhiều lợi ích cho bản thân doanh nghiệp như: góp phần điều chỉnh hành vi của chủ thể kinh doanh, nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu và uy tín của doanh nghiệp, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp thu hút nguồn lao động giỏi.

Do đó để phát triển bền vững, cần có biện pháp tuyên truyền cho các doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội, có thêm hành lang pháp lý bắt buộc cho doanh nghiệp thực thi trách nhiệm xã hội, đồng thời tôn vinh các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội.

 

 

Ths. Nguyễn Thị Thúy Yên - Viện Nghiên cứu Phát triển KTXH tỉnh