“Mỗi xã, phường một sản phẩm”: Bắt đầu từ lợi thế cạnh tranh

04/07/2018 14:47 Số lượt xem: 57

Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) là Chương trình Quốc gia được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát động với mục tiêu cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều hàng hóa chất lượng cao mang tính đặc trưng, lợi thế của mỗi vùng miền góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Thời gian qua, các làng nghề tại Bắc Ninh đều có bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó nhiều sản phẩm làng nghề như Gỗ Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn), chạm khắc gỗ Phù Khê (thị xã Từ Sơn), gốm Phù Lãng (Quế Võ), tranh Đông Hồ (Thuận Thành), đúc đồng Đại Bái (Gia Bình), tre trúc Xuân Lai (Gia Bình) đã nổi tiếng trên phạm vi cả nước. Gần đây, với sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh  trong ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhiều sản phẩm làng nghề, sản phẩm nông nghiệp mang tính đặc trưng riêng như: Tỏi An Thịnh (Lương Tài); gạo nếp nhung Tam Sơn, bánh phu thê Đình Bảng (thị xã Từ Sơn); nếp cái hoa vàng Yên Phụ, bánh tẻ Chờ (Yên Phong); bún Khắc Niệm (thành phố Bắc Ninh); đậu Trà Lâm, nem Bùi, tương Đình Tổ (Thuận Thành)... đã có vị trí nhất định trên thị trường, tạo việc làm cho một số lao động tại các vùng nông thôn.
Tuy nhiên, những kết quả đó chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, hiệu quả kinh tế đem lại từ các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, làng nghề truyền thống chưa cao. Việc tổ chức sản xuất ở một số địa phương thiếu chuyên nghiệp, tư duy làm ăn nhỏ lẻ manh mún; ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn hạn chế; vấn đề thương mại hóa sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức; kỹ năng tiếp cận thị trường còn kém, dẫn đến hiệu quả, tính bền vững chưa cao...
Chính vì vậy, khi triển khai Chương trình OCOP cần tập trung phát triển các sản phẩm làng nghề; sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao… theo hướng phát triển bền vững, gắn với các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, có lợi thế trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và có những giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, coi trọng thị trường là một yếu tố quan trong, quyết định đến sự sống còn của quá trình sản xuất lưu thông sản phẩm, cần quan tâm đến việc nghiên cứu thị hiếu người tiêu dùng, xúc tiến thương mại, tiếp thị sản phẩm. Phần lớn các làng nghề trong tỉnh chưa làm được điều này, chưa chủ động mở rộng địa bàn tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu ra thế giới.
Thứ hai, xác định sản phẩm có tính độc đáo, chuyên biệt, mang tính đặc trưng, có lợi thế để đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, không nhất thiết xã, phường nào cũng phải có một sản phẩm hoặc sản xuất theo phong trào.
 

Trên cơ sơ đó, tỉnh cần tổ chức quy hoạch sản xuất ở khu vực nông thôn, căn cứ vào các quy hoạch tổng thể của ngành, từng địa phương tiến hành rà soát, quy hoạch, cơ cấu sản xuất, xác định lựa chọn những sản phẩm có lợi thế, có thị trường, rà soát quy hoạch phát triển ngành nghề và nhóm các sản phẩm đặc trưng của địa phương; đẩy mạnh xúc tiến thương mại và hội nhập kinh tế, quảng bá, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng có lợi thế trên địa bàn thông qua việc tổ chức các kỳ hội chợ, triển lãm trong tỉnh, trong nước và ngoài nước; rà soát, đăng ký, quản lý, xây dựng, nhãn hiệu, thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm làng nghề gắn với tổ chức các chương trình du lịch làng nghề để tạo điều kiện cho các sản phẩm tại các làng nghề được tiếp cận với du khách. Song song với  đó, cần tăng cường các dịch vụ chăm sóc khách hàng, có các chế độ ưu đãi đối với khách hàng truyền thống, quan tâm phát triển khách hàng tiềm năng.
Tạo hành lang pháp lý, cũng như các cơ chế, chính sách cho phát triển sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng, có lợi thế; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận được nguồn vốn, khoa học công nghệ, quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhất là đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sản xuất ra các sản phẩm này; hỗ trợ liên kết tạo ra các chuỗi sản xuất. hỗ trợ thuế đất và phí sử dụng hạ tầng; hỗ trợ kinh phí phát triển nghề, chuyển giao ứng dụng kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới, các sản phẩm tiêu biểu của địa phương.
Khuyến khích các làng nghề, cơ sở nghề truyền thống, các doanh nghiệp mở lớp đào tạo nghề cho lao động; khuyến khích các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh kèm cặp, bồi dưỡng truyền nghề cho lực lượng lao động trẻ thông qua các lớp đào tạo, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm. Tăng cường đào tạo kiến thức quản trị kinh doanh, marketing cho bộ phận quản lý, kiến thức về kỹ thuật và thiết kế sản phẩm cho thợ thủ công; tổ chức các hoạt động hỗ trợ thiết kế cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất.

Đào Thu Hà, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển KT-XH