Bắc Ninh xếp thứ 7 về Chỉ số thương mại điện tử

01/08/2018 15:18 Số lượt xem: 108

Ngày 01/8/2018 tại Hà Nội, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Tọa đàm “Xu hướng Chính sách đối với kinh tế nền tảng”. Tọa đàm thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, pháp luật, cơ quan nghiên cứu, các nhà quản lý, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội ngành và cơ quan thông tấn, báo chí. Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tham dự.

Toàn cảnh Hội nghị

Ảnh: Quốc Bình

Phát biểu mở đầu Tọa đàm, Tổng thư ký VECOM Trần Trọng Tuyến đã trình bày tổng quan về các nền tảng và kinh tế nền tảng. Ông Tuyến cho biết, mô hình kinh tế nền tảng đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới và tại Việt Nam, nhận được sự ủng hộ và đánh giá tích cực của nhiều bên liên quan nhờ vào những lợi ích mà các nền tảng mang lại như tăng năng suất, giảm chi phí, tạo ra các thị trường mới, cũng như gia tăng sự linh hoạt của thị trường lao động. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, mô hình kinh tế nền tảng đã dần bộc lộ một số khiếm khuyết cần đến sự can thiệp của Nhà nước, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người lao động, chống thất thu thuế với các nền tảng hoạt động xuyên biên giới. Trong bối cảnh đó, dường như Việt Nam chưa có một sự tiếp cận chính sách và ứng xử nhất quán, cũng như đang gặp phải nhiều khó khăn trong việc xây dựng các quy định đối với các mô hình kinh tế mới này.

Tại buổi Tọa đàm, các chuyên gia và nhà quản lý đã có hai phiên thảo luận sôi nổi về bản chất của kinh tế nền tảng cũng như các giải pháp chính sách tổng quát và cụ thể đối với những vấn đề của nền kinh tế nền tảng. Sau Hội nghị, nhiều đại biểu thống nhất nhận định rằng xu thế không thể đảo chiều và những hiệu quả thiết thực của các nền tảng kỹ thuật số với toàn bộ nền kinh tế xung quanh, đồng thời nhấn mạnh sự cấp thiết của việc thống nhất tầm nhìn và định hướng của Chính phủ đối với nền kinh tế nền tảng, làm tiền đề và động lực giúp Việt Nam tiến gần hơn tới các mục tiêu phát triển, bắt kịp cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Tại Hội nghị, VECOM phát hành báo cáo về Chỉ số Thương mại điện tử 2018 (EBI), Chỉ số EBI được xây dựng trong bối cảnh sau hai mươi năm xuất hiện ở Việt Nam Internet đã tác động sâu sắc và toàn diện tới kinh tế xã hội. Chỉ số EBI năm 2018 được xây dựng từ kết quả khảo sát hàng nghìn doanh nghiệp trên cả nước. Chỉ số xem xét kỹ tình hình đăng ký và sử dụng tên miền quốc gia cũng như quốc tế, thu nhập bình quân đầu người và số lượng doanh nghiệp tại mỗi địa phương. Cân nhắc mối tương quan cao giữa tỷ lệ tên miền quốc gia trên một nghìn dân với hạ tầng và nguồn nhân lực cho thương mại điện tử, năm 2018 không tiến hành xây dựng Chỉ số cho những địa phương có tỷ lệ này quá thấp.

Xếp hạng Chỉ số Thương mại điện tử năm 2018

Tổng hợp: Quốc Bình

Chỉ số Thương mại điện tử năm 2018 của tỉnh Bắc Ninh đạt 46,3 điểm, xếp hạng 7/54 tỉnh/thành phố. Chỉ số Thương mại điện tử của các địa phương được tổng hợp từ bốn nhóm Chỉ số: Chỉ số Nguồn nhân lực và Hạ tầng công nghệ thông tin (Bắc Ninh xếp hạng 5/54); Chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (Bắc Ninh xếp hạng 5/54); Chỉ số về giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (Bắc Ninh xếp hạng 23/54); Chỉ số về giao dịch chính phủ với doanh nghiệp (Bắc Ninh xếp hạng 4/54).

Quốc Bình - Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế xã hội