Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững

21/11/2023 10:19 Số lượt xem: 12

Phát triển bền vững đang là mục tiêu quan trọng của Việt Nam trong những năm qua và trong tương lai, theo đó tăng trưởng xanh với sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý, hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường chính là tiền đề để thực hiện mục tiêu này. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh" diễn ra ngày 19/3/2023, Chính phủ khuyến khích sự hưởng ứng và tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội, nhất là doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các dự án theo hình thức đối tác công-tư (PPP) trong tăng trưởng xanh; thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh, hình thành các chuỗi giá trị và ngành nghề mới thông qua xanh hóa sản xuất công-nông nghiệp và dịch vụ, khuyến khích phát triển hệ thống phân phối xanh và tiêu dùng xanh.

Trong số các tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh, góp phần tích cực vào việc triển khai "Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050", kết quả cho thấy: Tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp có nhận thức về sản xuất sạch hơn đã tăng từ 28% năm 2010 lên 46,9% năm 2020; Hoạt động xanh hóa sản xuất, bảo đảm nguyên tắc thân thiện với môi trường, đầu tư phát triển vốn tự nhiên, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm đã được chú trọng… Định hướng chung trong Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050: Chuyển đổi phát triển kinh tế xanh, đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải khí nhà kính thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số; liên kết khu vực FDI và khu vực trong nước, tăng số lượng các sản phẩm xanh. Phát triển kết cấu hạ tầng, khu công nghiệp, đô thị và nông thôn xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh, đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc, bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu với thiên thai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Có thể thấy, chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững định vị rõ vai trò đặc biệt quan trọng của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quá trình tăng trưởng nhanh cùng với cơ cấu kinh tế chưa hoàn thiện cũng đã và đang bộc lộ những thách thức, đòi hỏi cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt công tác này trong thời gian tới.

Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường là 1 trong 4 chỉ số thành phần của Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) đánh giá các chính sách và dịch vụ hỗ trợ được chính quyền tỉnh áp dụng nhằm thúc đẩy doanh nghiệp có các hành vi và quyết định tạo ra tác động môi trường tích cực vượt trên các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu theo quy định pháp luật của Việt Nam hoặc theo tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ, các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp do chính quyền địa phương cung cấp như dịch vụ tư vấn về thủ tục xin cấp phép cho các dự án đầu tư có yếu tố bảo vệ môi trường, dịch vụ tập huấn, đào tạo kỹ năng cho người lao động để doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư có yếu tố bảo vệ môi trường sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt các dịch vụ xây dựng năng lực cho doanh nghiệp để xanh hóa hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh. Kết quả khảo sát chung cho thấy mức độ tiếp cận của doanh nghiệp với các chương trình khuyến khích, hỗ trợ thực hành xanh còn khá hạn chế ở hầu hết các địa phương ngay cả khi các chương trình này là tiếp cận được thì các thủ tục để doanh nghiệp có thể thụ hưởng hỗ trợ từ chương trình vẫn chưa được thuận lợi hoàn toàn. Chỉ một số ít địa phương có khuynh hướng, nguồn lực hoặc sự chuẩn bị sẵn sàng về năng lực để hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện kinh doanh xanh hoặc cung cấp nguồn tài chính thúc đẩy doanh nghiệp xanh hóa. 

Bảng 1: Điểm số các chỉ tiêu Chỉ số thành phần 4 “Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường”

Chỉ tiêu

Trung bình

toàn quốc

Điểm

thấp nhất

Điểm

trung vị

Điểm

cao nhất

Chiều cạnh 4.1 Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN thực hành xanh

0,97

0,70

1,00

1,28

Chiều cạnh 4.2 Dịch vụ tư vấn, đào tạo để cải thiện hoạt động môi trường

0,95

0,68

0,96

1,34

Chính sách khuyến khích, hỗ trợ về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả (0-4)

1,03

0,31

1,00

2,02

Chính sách khuyến khích, hỗ trợ về năng lượng sạch/năng lượng tái tạo (0-4)

0,31

0,07

0,32

0,74

Chính sách khuyến khích, hỗ trợ về giảm thiểu ô nhiễm không khí (0-4)

0,54

0,17

0,52

1,15

Chính sách khuyến khích, hỗ trợ về giảm thiểu ô nhiễm nước và nước thải (0-4)

0,46

0,19

0,44

1,07

Chính sách khuyến khích, hỗ trợ về giảm thiểu rác thải nhựa (0-4)

0,40

0,13

0,40

0,73

Chính sách khuyến khích, hỗ trợ về tái chế rác thải (0-4)

0,24

0,06

0,22

0,50

Chính sách khuyến khích, hỗ trợ về tăng khả năng chống chịu thiên tai (0-4)

0,17

0,04

0,17

0,46

Chính sách khuyến khích, hỗ trợ về tái trồng rừng (0-4)

0,18

0,00

0,16

0,59

Chính quyền tỉnh cung cấp dịch vụ tư vấn để cải thiện hoạt động môi trường (0-4)

0,54

0,22

0,54

1,23

Chính quyền tỉnh cung cấp dịch vụ đào tạo để cải thiện hoạt động môi trường (0-4)

0,25

0,09

0,25

0,61

 

Hình 1: Điểm số các chỉ tiêu của tỉnh Bắc Ninh năm 2022


Nguồn: VCCI, Dữ liệu Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022

Kết quả khảo sát chỉ số thành phần này là cơ sở đưa ra khuyến nghị chung cần có thêm các chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp để cải thiện hoạt động môi trường do địa phương cung cấp. Đối với tỉnh Bắc Ninh: (1) Đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều hình thức mới, hiệu quả cao hơn, đảm bảo công tác chăm sóc nhà đầu tư tại chỗ và tạo điều kiện đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, qua đó giúp các doanh nghiệp nắm bắt, tìm hiểu và tháo gỡ khó khăn trong bảo vệ môi trường; (2) Tiếp tục rà soát, đề xuất triển khai chính sách khuyến công, trong đó ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất trong quá trình chuyển đổi xanh lồng ghép với chương trình thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; (3) Tuyên truyền, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI), tham gia Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam do VCCI chủ trì tổ chức hàng năm. Bộ chỉ số CSI được VCCI xây dựng với tiêu chí thân thiện, dễ hiểu, dễ áp dụng, phù hợp với bối cảnh phát triển của doanh nghiệp. Đây cũng là công cụ hữu hiệu hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công việc phát triển bền vững, lập báo cáo phát triển bền vững. Doanh nghiệp thực hiện tốt nội dung môi trường trong Bộ chỉ số CSI không những đáp ứng được công tác tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường trong nước mà còn dễ dàng đáp ứng các yêu cầu quốc tế về môi trường có liên quan.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2022.

2. https://nhandan.vn/dong-hanh-cung-chinh-phu-viet-nam-thuc-day-tang-truong-xanh-post743627.html

Ths. Nguyễn Thị Thúy Yên - Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh