Kinh tế chia sẻ: Các xu thế lớn và tác động tới nền kinh tế Việt Nam
Sáng 12/7, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp Bộ Khoa học & Công nghệ và Đại sứ quán Australia tại Việt Nam tổ chức hội thảo “Kinh tế chia sẻ: Các xu thế lớn và tác động tới nền kinh tế Việt Nam” nhằm chia sẻ những kinh nghiệm về phương thức thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và trong việc xử lý các vấn đề mới nổi của kinh tế chia sẻ.
Ánh: Nhung Chu
Kinh tế chia sẻ là một phần tất yếu của nền kinh tế số, là kết quả của ứng dụng đổi mới sáng tạo cho tăng năng suất của các ngành, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho rằng, mô hình kinh tế chia sẻ khá mới mẻ ở Việt Nam nhưng đã phát triển khá mạnh mẽ (VD: Uber, Grab…). Tận dụng được các lợi ích mà kinh tế chia sẻ mang lại sẽ góp phần thúc đẩy sử dụng các tiến bộ công nghệ, góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế.
Trên thế giới, mô hình kinh tế này phát triển mạnh trong những năm gần đây ở một số nước trên thế giới và mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội do giúp giảm chi phí giao dịch và sử dụng tài sản và tài nguyên hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nó cũng đã làm nảy sinh các mối quan hệ mới trên thị trường, tiềm ẩn những rủi ro mà nhà quản lý cần phải quan tâm để đảm bảo lợi ích của cả người mua (người tiêu dùng) và người bán (nhà cung cấp dịch vụ) cũng như nảy sinh các vấn đề giữa doanh nghiệp kinh doanh theo mô hình kinh tế chia sẻ và doanh nghiệp kinh doanh truyền thống, vấn đề thu thuế phát sinh từ hoạt động dịch vụ, vấn đề đo lường và tích hợp trong tài khoản kinh tế quốc gia... Vì vậy, việc xây dựng các chính sách mới hoặc điều chỉnh các chính sách hiện hành để đạt mục tiêu phát huy những tác động tích cực và giảm thiểu các hiệu ứng tiêu cực là hết sức cần thiết.
Ông cũng cho biết, trong quá trình phát triển mô hình kinh tế chia sẻ, việc tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tác động của những xu thế lớn của công nghệ số đối với nền kinh tế nói chung và đối với mô hình kinh doanh của kinh tế chia sẻ nói riêng là rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc đánh giá xu hướng phát triển của kinh tế chia sẻ ở Việt Nam sẽ giúp cho việc nâng cao nhận thức xã hội về các hoạt động kinh tế này. Đồng thời, giúp Chính phủ những thông tin cần thiết để thiết kế một chiến lược thích ứng tốt và tận dụng được các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.
Bà Rebecca Bryant, đại diện Lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, Việt Nam có vị thế tốt để tận dụng các cơ hội phát triển bởi nền kinh tế chia sẻ. Với một dân số có trình độ học vấn và dân số trẻ và gần 70% số người sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, nền kinh tế của Việt Nam có lợi từ những công nghệ đang phát triển này.
TS. Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) tham luận tại Hội thảo cho biết, cơ hội của kinh tế chia sẻ tại Việt Nam là tạo ra một phương thức kinh doanh mới, mở ra cơ hội kinh doanh mới dựa trên nền tảng số, ứng dụng công nghệ 4.0. Thị trường cạnh tranh hơn và loại hình dịch vụ đa dạng hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Cùng đó, mở ra cơ hội đầu tư, tạo việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập và tiết kiệm tài nguyên, tận dụng tối đa công suất tài sản dư thừa, bảo vệ môi trường…
Bên cạnh đó, cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh cho thích nghi với sự đa dạng và phát triển nhanh của nền kinh tế số; trong đó, kinh tế chia sẻ chỉ là một dạng mô hình kinh doanh mới ở một số lĩnh vực, tồn tại đồng hành cùng mô hình kinh doanh truyền thống. Đồng thời, nhanh chóng cải thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho việc mở rộng phạm vi các sáng kiến kinh doanh, đào tạo nhân lực, kết nối giữa các bên tham gia hệ sinh thái, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm; đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, khuyến khích các start-ups.
Song, để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong nền kinh tế chia sẻ, TS. Tuệ Anh cho rằng, cần tuân theo nguyên tắc chung: linh hoạt, lấy lợi ích xã hội là thước đo. Nhà nước cần tạo nhiều cơ hội và giảm rủi ro cho các bên tham gia, cần hợp tác với các công ty nền tảng. Bên cạnh đó, cần bảo vệ người tiêu dùng, an toàn thông tin, đảm bảo thỏa thuận hợp động được thực thi, tránh gây bất lợi làm hạn chế gia nhập và hạn chế đổi mới: dễ dàng gia nhập hay rút khỏi thị trường; đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.
Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Xây dựng Đề án mô hình kinh tế chia sẻ” tại Nghị quyết số 13/NQ-CP ngày 08/02/2018 của Chính phủ. Đề án này đang được xây dựng để triển khai thực hiện Nghị quyết nêu trên của Chính phủ và cũng để đáp ứng yêu cầu về quản lý nhà nước đối với loại hình kinh tế chia sẻ ở Việt Nam./.