Lắng nghe doanh nghiệp Bắc Ninh đánh giá khả năng tiếp cận đất đai

10/12/2019 14:52 Số lượt xem: 37

Bắc Ninh là một trong những tỉnh có nhiều điểm sáng về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng vẫn còn những nút thắt gây khó khăn cản trở sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó có liên quan đến vấn đề tiếp cận đất đai.

Chỉ số tiếp cận đất đai là chỉ số đo lường mức độ khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải trong việc tiếp cận đất đai và mặt bằng cho kinh doanh, mức độ ổn định trong sử dụng đất. Phản ánh tình trạng doanh nghiệp có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không, có đủ mặt bằng thực hiện những yêu cầu mở rộng kinh doanh hay không, doanh nghiệp có đang thuê lại đất của doanh nghiệp nhà nước không và đánh giá việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại địa phương. Đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp về những rủi ro trong quá trình sử dụng đất (ví dụ như rủi ro từ việc bị thu hồi đất, định giá không đúng, thay đổi hợp đồng thuê đất) cũng như thời hạn sử dụng đất.

Đây là Chỉ số cải thiện tích cực từ năm 2014 (5,38 điểm), đến năm 2017 đạt 6,57 điểm, tuy nhiên có sự giảm điểm mạnh vào năm 2018 (đạt 6,39 điểm), tụt 19 bậc từ thứ hạng 18 (năm 2017) xuống thứ 37 (năm 2018).

Biểu đồ 1. Điểm Chỉ số Tiếp cận đất đai của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2013 - 2018

Nguồn: Viện Nghiên cứu PTKTXH tổng hợp từ Dữ liệu PCI (www.pcivietnam.org)

Năm 2018, doanh nghiệp Bắc Ninh đánh giá các vấn đề liên quan tới giải phóng mặt bằng, mở rộng mặt bằng kinh doanh của doanh nghiệp có cải thiện tích cực hơn so với năm 2017: tỷ lệ doanh nghiệp gặp phải khó khăn về thiếu quỹ đất sạch và giải phóng mặt bằng chậm có xu hướng giảm, tỷ lệ doanh nghiệp không gặp cản trở về tiếp cận/ mở rộng mặt bằng kinh doanh có xu hướng tăng mạnh, mặc dù có cải thiện hơn nhưng những tỷ lệ này vẫn ở mức thấp. Cũng theo sự đánh giá của doanh nghiệp, tỷ lệ doanh nghiệp có mặt bằng kinh doanh và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thấp hơn năm 2017, chỉ bằng ½ so với năm 2017, chỉ có khoảng 24% doanh nghiệp nói rằng họ có mặt bằng kinh doanh và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong khi năm 2017 con số này là 49%.

Biểu đồ 2. Khó khăn của doanh nghiệp liên quan tới tiếp cận/ giải phóng mặt bằng kinh doanh

Nguồn: Viện Nghiên cứu PTKTXH tổng hợp từ Dữ liệu PCI (www.pcivietnam.org)

Doanh nghiệp ghi nhận những cải thiện tích cực trong công tác cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, tuy nhiên mức độ cải thiện còn chậm và ít thông qua các chỉ số: Tỷ lệ doanh nghiệp có nhu cầu được cấp GCNQSDĐ nhưng không có do thủ tục hành chính rườm rà tăng; Tỷ lệ doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai trong vòng 2 năm qua nhưng không gặp bất kỳ khó khăn nào về thủ tục giảm; 

Biểu đồ 3. Tình hình cải cách thủ tục hành chính đất đai năm 2018 so với năm 2017

Nguồn: Viện Nghiên cứu PTKTXH tổng hợp từ Dữ liệu PCI (www.pcivietnam.org)

Điều này đòi hỏi công tác cải thiện các thủ tục hành chính về đất đai cần nỗ lực hơn nữa, nhanh chóng hơn nữa đáp ứng mức độ hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp.Hơn nữa tỉnh Bắc Ninh đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, do đó việc tiếp cận đất đai có xu hướng khó khăn hơn. Vì vậy, cần phân tích và nghiên cứu về chu trình hóa nhằm tạo cơ sở để các ngành chức năng rà soát xây dựng các Quy định giải quyết các thủ tục đầu tư do ngành, đơn vị mình thụ lý như:  Quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ khảo sát địa điểm, cấp chứng chỉ  hoặc thông tin quy hoạch; Rà soát, hoàn thiện Quy định về đánh giá tác động môi trường; Quy định về trình tự, hồ sơ giải quyết các thủ tục đất đai (thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…). Trên cơ sở chu trình hóa, cần tăng cường kiểm tra công vụ, công tác giải quyết thủ tục hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành đảm bảo thông suốt, tạo niềm tin và sự hài lòng của tổ chức và cá nhân khi đến thực hiện các thủ tục hành chính.

Ths. Nguyễn Thị Dung - Viện Nghiên cứu Phát triển KTXH