Thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đối với người nghèo, đối tượng chính sách
Sáng 29/12, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam (CSXH) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.
Tại điểm cầu Bắc Ninh, đồng chí Ngô Tân Phượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh dự và chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đồng chí Trần Thị Vân, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các Sở, ngành, đoàn thể tỉnh; các huyện, thành phố; thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh.
Qua 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78, Ngân hàng CSXH Việt Nam đã thực hiện hiệu quả việc cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần quan trọng thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đến 30/11/2022, tổng nguồn vốn tín dụng CSXH đạt gần 300 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 41,9 lần so với năm 2002, trong đó, riêng nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương các cấp đạt hơn 29 nghìn tỷ đồng, chiếm 9,8% tổng nguồn vốn.
Nguồn vốn tín dụng CSXH đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước với hơn 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn. Qua đó, giúp gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo; hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động; hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học; xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác; hỗ trợ vốn mua/thuê hơn 29,7 nghìn căn nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, hỗ trợ gần 2 nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng phát biểu tại điểm cầu Bắc Ninh.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá về tính hiệu quả của chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách; vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai chương trình tín dụng; đề xuất các giải pháp quản lý vốn tín dụng CSXH để thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng CSXH Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, thực hiện hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù; tập trung huy động các nguồn lực tài chính theo phương châm “Nhà nước, doanh nghiệp và Nhân dân cùng làm”, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu cho vay vốn người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Bên cạnh đó, triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng CSXH, tạo điều kiện để người dân sản xuất kinh doanh; tăng cường quản lý, giám sát nguồn vốn vay, không để cho vay sai đối tượng, sai mục đích. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng CSXH đến mọi tầng lớp Nhân dân; thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội; phối hợp với Ngân hàng CSXH và chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả việc cho vay vốn chính sách.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Thị Vân (ngoài cùng bên phải) dự Hội nghị.
Phát biểu tại điểm cầu Bắc Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Tân Phượng đề nghị các Sở, ngành, địa phương tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, yêu cầu Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục triển khai kịp thời, hiệu quả hoạt động tín dụng CSXH trên địa bàn; chủ động tham mưu ban hành các Đề án, cơ chế chính sách mới phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn phù hợp với mục tiêu các chương trình Quốc gia và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ủy ban MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội các cấp thường xuyên quan tâm và thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác.