Tính năng động, tiên phong của đội ngũ cán bộ trong xu hướng nâng cao chất lượng quản trị địa phương, thúc đẩy liên kết vùng (kỳ 2)
Tính năng động tiên phong của đội ngũ cán bộ cần phải được thể hiện tốt trong thực tiễn. Đó là sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo chính sách; luôn đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững
3. Hành động thực tiễn thể hiện tính năng động, tiên phong của đội ngũ cán bộ tỉnh Bắc Ninh trong xu hướng nâng cao chất lượng quản trị địa phương, thúc đẩy liên kết vùng
3.1. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo chính sách của Trung ương, có những sáng kiến thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính
Công khai, minh bạch các thủ tục hành chính (TTHC) để hỗ trợ các nhà đầu tư giảm chi phí thời gian, chi phí cho TTHC và các chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Rút ngắn tối thiểu thời hạn giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các TTHC liên quan đến quá trình đầu tư của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất, mở rộng đầu tư, kinh doanh; Chỉ đạo, quán triệt việc thực hiện công khai xin lỗi tổ chức, cá nhân khi giải quyết TTHC chậm hạn; Kiện toàn hệ thống một cửa các cấp và triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn toàn tỉnh,...
Thực hiện cơ chế “5 tại chỗ” và quy trình điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Hành chính công tỉnh và Trung tâm Hành chính công cấp huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” với mục tiêu: Nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công của các cơ quan nhà nước, đảm bảo phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, hướng tới số hóa hồ sơ, chuyển hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản giấy, giao dịch trực tiếp sang hoạt động sử dụng hồ sơ, văn bản điện tử, giao dịch điện tử, thúc đẩy cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin; Thực hiện theo cơ chế 5 tại chỗ các quy trình giải quyết TTHC (Tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả) nhằm góp phần bảo đảm các TTHC được giải quyết thuận tiện, nhanh chóng, cắt giảm chi phí, thời gian, có cơ chế kiểm tra, giám sát, các hoạt động được thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, quan liêu; Áp dụng quy trình điện tử gắn với số hóa toàn bộ hồ sơ, kết quả TTHC để xử lý trên phần mềm điện tử và áp dụng chữ ký số để phê duyệt kết quả; in ấn, phát hành kết quả TTHC ngay tại Trung tâm Hành chính công. Việc triển khai thực hiện đề án đã bước đầu tạo nhiều chuyển biến tích cực trong cải cách hành chính.
Thực hiện việc trao đổi, đối thoại với tổ chức, công dân trên các phương tiện truyền thông; tiếp nhận và trả kết quả TTHC qua dịch bưu chính công ích; tuyên truyền kênh thông tin kết nối người dân, doanh nghiệp như: Tổng đài Thông tin dịch vụ công; công khai số điện thoại, Email của lãnh đạo cơ quan, địa phương tại nơi đông dân cư; tiếp nhận kiến nghị qua Cổng Thông tin điện tử Tỉnh, mạng xã hội (Facebook, Zalo…).
Bảng 1: Một số yếu tố cải thiện trong chỉ số Chi phí thời gian 2020-2021
STT |
Nội dung |
2020 |
2021 |
Trung vị 2021 |
Biến động 2021 so với 2020/Trung vị 2021 (Xu hướng +/-) |
1 |
DN không cần phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký (% Đồng ý) |
73,15% |
77,78% |
75,00% |
+ |
2 |
CBCC thân thiện (%) |
81,51% |
82,35% |
83,22% |
+ |
3 |
Tỷ lệ DN không gặp khó khăn khi thực hiện TTHC trực tuyến (% Đồng ý) - Biến mới năm 2021 |
- |
67,65% |
57.,30% |
+ |
4 |
Thực hiện TTHC trực tuyến giúp tiết giảm thời gian cho DN (% Đồng ý) - Biến mới năm 2021 |
- |
72,79% |
57,14% |
+ |
5 |
Thực hiện TTHC trực tuyến giúp tiết giảm chi phí cho DN (% Đồng ý) - Biến mới năm 2021 |
- |
71,32% |
57,14% |
+ |
3.2. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, thực hiện tốt chủ trương đồng hành cùng doanh nghiệp, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tỉnh tăng cường đối thoại với doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực
Tổ chức các hội nghị đối thoại nhằm đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, rút ngắn thời gian và nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, triển khai các chương trình hỗ trợ của theo Nghị quyết 11 của Chính phủ, nhất là hỗ trợ về chính sách tài khóa và tiền tệ, hỗ trợ nguồn cung lao động, tăng cường an sinh xã hội; chủ động đối thoại, giải quyết mọi khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp trong các lĩnh vực: hạ tầng khu công nghiệp, vấn đề môi trường, lĩnh vực đất đai, phụ trợ và logistics,… Kết quả khảo sát PCI 2021 cho thấy, các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh (% Đồng ý) tăng từ 75,41% (năm 2020) lên 80,15% (năm 2021).
Tích cực tổ chức các hội nghị nhằm phân tích xu hướng biến động và nhận diện điểm nghẽn trong cải thiện các Chỉ số điều hành, quản trị địa phương tỉnh Bắc Ninh đồng thời đề xuất các giải pháp cải thiện có hiệu quả các chỉ số thành phần giảm điểm, thấp điểm, từ đó lan tỏa tinh thần cải cách của tỉnh tới cộng đồng doanh nghiệp, người dân, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ứng dụng phần mềm “Phản ánh kiến nghị” trong tiếp nhận ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp qua thiết bị di động, góp phần tích cực trong công tác cải cách hành chính, tăng cường sự tương tác giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp qua thiết bị di động, góp phần xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm văn bản giấy tờ và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức trong quá trình giải quyết công việc.
3.3. Đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững
Tích cực thực hiện tư vấn, giải đáp cho doanh nghiệp, nhà đầu tư về thủ tục pháp lý, những vướng mắc trong quá trình thành lập và hoạt động của doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, du lịch, đầu tư, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hướng dẫn, miễn phí hỗ trợ giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp, đề xuất dự án đầu tư và các thủ tục khác có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp theo nhiệm vụ được giao. Tiếp tục triển khai các nội dung của Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thực hiện tư vấn, hướng dẫn miễn phí đối với tất cả hộ kinh doanh thực hiện chuyển đổi sang DNNVV; Hỗ trợ nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp miễn phí, hỗ trợ nộp hồ sơ thông báo thuế, lập hồ sơ giải thể tạm ngừng, tư vấn miễn phí các thủ tục, khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động; Hỗ trợ miễn phí cho doanh nghiệp thay đổi đăng ký kinh doanh do chuyển đổi địa giới hành chính…
Kết luận: Năng lực của mỗi công chức bao gồm các thành tố: kiến thức, kỹ năng, thái độ và một số phẩm chất khác có liên quan đến công việc. Năng lực cho thấy sự khác biệt quan trọng giữa công chức thực thi ở cấp độ cao và cấp độ trung bình, giữa người thực thi hiệu quả và kém hiệu quả. Tính năng động, tiên phong là yếu tố thúc đẩy sự khác biệt này. Do đó, tiếp tục triển khai các hoạt động thực tiễn thúc đẩy tính năng động, tiên phong của đội ngũ cán bộ tỉnh Bắc Ninh trong xu hướng nâng cao năng lực quản trị địa phương, thúc đẩy liên kết vùng là rất cần thiết.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh các năm 2018, 2019, 2020, 2021.
2. Nguyễn Đặng Phương Truyền (2021), Nâng cao năng lực quản trị của chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 15 (439), tháng 8/2021.
(Hết)