Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tiếp và làm việc với Đoàn công tác Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương
Sáng ngày 18/07/2022, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương do TS. Lê Xuân Bá – Nguyên viện trưởng, làm trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn về khảo sát thực tiễn tại Bắc Ninh. TS. Nguyễn Phương Bắc – Viện trưởng trực tiếp đón và làm việc với đoàn.
Chuyến công tác này của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nằm trong khuôn khổ Đề án Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động do Bộ Kế hoạch và đầu tư nghiên cứu, xây dựng và triển khai nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 08/01/2022 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.
Các thành viên tham gia buổi làm việc - Ảnh: Quốc Bình
Trong khuôn khổ buổi làm việc, đại diện hai Viện đã trao đổi về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh thời gian gần đây và phương hướng phát triển đến năm 2025. Theo đó, sau 25 năm tái lập tỉnh, kinh tế Bắc Ninh đã đạt mức tăng trưởng cao, bình quân tăng 13,9%/năm. Bắc Ninh là tỉnh nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, có trình độ dân trí khá cao, nguồn nhân lực dồi dào và đang trong thời kỳ “cơ cấu vàng” về dân số, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngày càng cao, cơ sở hạ tầng khá tốt và đồng bộ, môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện. Tất cả những điều này đã tạo điều kiện cho Bắc Ninh tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Sức hấp dẫn về thu hút FDI vào Bắc Ninh đang được chuyển từ lợi thế so sánh tĩnh sang lợi thế so sánh động một cách rõ nét, các yếu tố chính bao gồm: vị trí địa lý thuận lợi, chất lượng kết cấu hạ tầng; cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư, đáp ứng nguồn nhân lực với chất lượng ngày càng cao.
Thông qua việc đánh giá kết quả đạt được và thách thức đối với thúc đẩy năng suất lao động của tỉnh, hai bên đã đề xuất các giải pháp, chính sách thúc đấy tăng năng suất lao động và lộ trình trong bối cảnh tái cơ cấu kinh tế và phát triển bền vững. Theo TS. Nguyễn Phương Bắc, khó khăn nhất trong việc nâng cao hơn nữa năng suất lao động bình quân của tỉnh nằm ở những hạn chế trong đổi mới, sáng tạo; khả năng nâng cấp công nghệ và liên kết kinh tế ở khu vực trong nước và khu vực FDI, việc thực thi có hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh tế làng nghề, nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Để giải quyết những vấn đề trên, sự nâng cao nhận thức và đầu tư tích cực hơn vào đổi mới, sáng tạo là điều cần thiết và tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI dựa trên các yếu tố mới về chất lượng dịch vụ và chuỗi cung ứng, logistics, hậu cần; sự tham gia của chính quyền địa phương trong các cam kết về trách nhiệm xã hội.
Đồng thời, hai bên cũng chia sẻ về những kinh nghiệm trong công tác nghiên cứu khoa học và đề xuất ý tưởng hợp tác, trao đổi và phối hợp tổ chức các hoạt động Hội thảo, Tọa đàm trong thời gian tới./.