Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tổ chức Tọa đàm khoa học: “Nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng xanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”
Nằm trong khuôn khổ Dự án nghiên cứu khoa học do Viện Kinh tế Việt Nam thực hiện. Sáng 16/8, Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom - CHLB Đức tại Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề: “Nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng xanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”.
Toàn cảnh Tọa đàm khoa học - Ảnh Quốc Bình
Tham dự và Chủ trì Tọa đàm có TS. Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh; TS. Phạm Hùng Tiến - Quyền Giám đốc Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (CHLB Đức tại Việt Nam); PGS. TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; Ông Nguyễn Đức Tố - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bắc Ninh cùng 70 đại biểu đại diện cho các Sở, ban, ngành của tỉnh; Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Ninh; Các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; 10 Ngân hàng thương mại lớn, uy tín trên địa bàn tỉnh; 10 doanh nghiệp tiêu biểu là Hội viên hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh; Các chuyên gia đến từ Học viện Ngân hàng phân viện Bắc Ninh, Trường Cao đẳng Thống kê Bắc Ninh,… Đặc biệt, Ban tổ chức vinh dự đón tiếp 05 đại biểu là doanh nghiệp nữ, Hội viên Hội nón lá Huế - tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến tham dự và chia sẻ kinh nghiệm tại Tọa đàm.
TS. Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội
phát biểu khai mạc Tọa đàm khoa học- Ảnh Quốc Bình
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh thay mặt Ban tổ chức Tọa đàm cảm ơn và chào mừng hơn 70 đại biểu đã tham dự và mong muốn đại biểu tích cực chia sẻ những quan điểm, kinh nghiệm thực tiễn về tín dụng xanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, qua đó giúp các nhà khoa học thu thập được các ý kiến đánh giá, kiến nghị góp phần cải thiện tình hình tiếp cận tín dụng nói chung và tín dụng xanh nói riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh Bắc Ninh.
Tọa đàm cũng được nghe phát biểu của TS. Phạm Hùng Tiến - Quyền Giám đốc Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom CHLB Đức tại Việt Nam - Cơ quan tài trợ dự án và PGS. TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cơ quan thực hiện Dự án nghiên cứu.
Phát biểu của PGS TS. Bùi Quang Tuấn - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - Ảnh Quốc Bình.
Theo Báo cáo kết quả nghiên cứu do TS. Vũ Quốc Huy, chuyên gia đến từ Viện Kinh tế Việt Nam - Đại diện Nhóm nghiên cứu trình bày. Hiện nay, Tăng trưởng xanh đang là một trong những ưu tiên chính sách hàng đầu trên thế giới và Việt Nam. Đây là một vần đề mới, còn nhiều vấn đề đang được thảo luận, thử nghiệm để dần dần áp dụng trên thực tế. Ngay cả khái niệm “dự án xanh” (green projects), cách thức tài trợ cho các dự án xanh còn đang được thảo luận rộng rãi và không có một phương thức chuẩn cho tất cả các nước. Bản thân các dự án xanh có tác dụng xã hội lớn (mang lại lợi ích chung về môi trường, phát triển bền vững) nhưng thường là những dự án rủi ro cao, lợi ích trực tiếp chưa rõ ràng. Các tổ chức tín dụng không thực sự ‘mặn mà’ với các dự án xanh. Khung chính sách chưa rõ ràng, phần lớn đang trong quá trình thử nghiệm. Trong bối cảnh chung đó, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có rát nhiều thách thức với yêu cầu xanh hóa sản xuất kinh doanh và khả năng tiếp cận với các nguồn tín dụng để thực hiện các giải pháp xanh. Kinh nghiệm của các địa phương là hết sức quan trọng đối với những lĩnh vực chính sách như tín dụng xanh.
Đại biểu doanh nghiệp phát biểu tham luận tại Tọa đàm khoa học - Ảnh Quốc Bình.
Cũng tại Tọa đàm, các nhà khoa học và đại biểu tham dự đã đặt ra 04 nhóm vấn đề cần tập trung thảo luận và trên cơ sở đó để đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị nhằm xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho tín dụng xanh, hướng tới việc nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng xanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh Bắc Ninh:
(i) Tình hình cung cấp tín dụng xanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại tỉnh Bắc Ninh; tình hình triển khai các chính sách từ trung ương tới địa phương;
(ii) Những khó khăn, rào cản từ phía các tổ chức tín dụng trong việc cấp tín dụng xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
(iii) Những khó khăn, rào cản từ phía doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận tín dụng;
(iv) Chính quyền địa phương có thể làm gì để giúp các doanh nghiệp trong việc tiếp cận tín dụng xanh.
Theo kết quả thảo luận, tỉnh Bắc Ninh hiện nay, hoạt động tín dụng xanh mới chỉ bước đầu được triển khai tại một số chi nhánh ngân hàng thương mại lớn và Quỹ bảo vệ tài nguyên môi trường tỉnh. Nguyên nhân một phần vì chưa có các văn bản pháp lý từ các cấp có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể, chi tiết về triển khai, thực hiện và cách thức quản lý rủi ro về môi trường xã hội,…
Thông qua thảo luận, các bên liên quan cũng đề cập đến việc cần phải có sự tham gia của một bên thứ ba bên cạnh những nhà cung cấp tài chính là các ngân hàng thương mại và các quỹ tài chính, tín dụng,và bên hưởng lợi trực tiếp là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên thứ ba giúp cho giao dịch của các tổ chức tài chính và các doanh nghiệp có thể được thành công là các tổ chức giám định độc lập, khách quan và có chuyên môn được hình thành và phát triển ngay tại địa phương để thẩm định và giám sát các tiêu chuẩn về công nghệ, môi trường đối với các dự án công nghệ xanh.
Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu - Hội viên Hội nón lá Huế - Ảnh Quốc Bình.
Tọa đàm khoa học “Nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng xanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam” kết thúc với việc nhất trí quan điểm của các bên tham gia về phát triển tín dụng xanh là một định hướng đúng đắn của Nhà nước nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đảm bảo hai mục tiêu lớn của quốc gia là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đặc biệt đối với tỉnh Bắc Ninh là địa bàn có nhiều khu công nghiệp, nhiều cơ sở làng nghề sản xuất hiện đang có nhu cầu rất lớn về đổi mới sản xuất, xanh hóa môi trường sinh thái của địa phương. Tuy nhiên chặng đường đi đến thành công cho chiến lược phát triển xanh của quốc gia, của tỉnh Bắc Ninh và ngành ngân hàng nói riêng còn là một chặng đường dài đòi hỏi sự ủng hộ, tham gia của nhiều bên liên quan từ các cấp lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành nói chung và của ngành ngân hàng nói riêng từ Trung ương tới các chi nhánh cấp tỉnh, huyện.